Từ đứa trẻ bị đuổi học vì "đần độn", Thomas Edison đã trở thành thiên tài thế kỷ nhờ được mẹ dạy dỗ và niềm đam mê khám phá của bản thân.Thomas Alva Edison (1847-1931) được coi là một trong số ít nhà phát minh giàu ý tưởng nhất lịch sử. Ông là tác giả của nhiều thiết bị có ảnh hưởng lớn tới thế giới hiện đại như bóng đèn dây tóc, máy quay đĩa, máy
điện báo.
Cậu bé ốm yếu với những câu hỏi ngớ ngẩn
Theo sách Kể chuyện tấm gương hiếu học, Edison là con thứ 7 trong gia đình bình thường. Ngay từ nhỏ, Edison thường xuyên bị ốm.
Sức khỏe không tốt nên hồi tiểu học, Edison thường xuyên đến lớp muộn, không tập trung học, không chịu trả lời những câu hỏi của thầy cô. Thay vào đó, cậu bé liên tục đặt ra những câu hỏi "Tại sao?", "Thế nào?".
Không chịu nổi cá tính khác thường của Edison, có lần, thầy giáo gọi cha mẹ ông đến trường và phàn nàn rằng: "Edison không chịu học hành, chỉ toàn làm phiền người khác bằng những câu hỏi không đâu. Hôm qua, cậu ta còn hỏi: Tại sao 2 cộng 2 lại bằng 4? 2 cộng 2 thì đương nhiên là bằng 4, lại còn hỏi vớ vẩn gì nữa. Cậu ta chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các bạn khác mà thôi!".
Chính bởi những câu hỏi "chẳng đâu vào đâu", cậu bé Edison thường bị xếp hạng "đội sổ", bị các bạn trong lớp chế giễu là đần độn. Edison luôn được bố trí chỗ ngồi cạnh bàn giáo viên, nơi dành cho những đứa trẻ học yếu nhất lớp.
Tuy nhiên, ngoài giờ học ở lớp, lúc ở nhà, Edison cũng tỏ ra là cậu bé thích tìm tòi, suy nghĩ, quan sát, đặt ra những câu hỏi nhiều lúc người lớn không biết trả lời thế nào.
Edison cũng nổi tiếng là cậu bé hiếu kỳ. Cậu để ý thấy rất nhiều điều mới lạ, bí ẩn của thế giới xung quanh và luôn tự mình tìm cách để khám phá những bí mật ẩn chứa trong đó.
Sách Kể chuyện tấm gương hiếu học viết rằng: "Một lần, Edison thấy tổ ong trên hàng rào nhà mình. Tò mò muốn biết trong tổ ong có những gì, Edison liền lấy cây gỗ chọc mạnh vào tổ ong. Kết quả là ông bị cắn cho một trận sưng húp mặt mũi. Lần khác đọc sách về núi lửa, vì muốn trông thấy ngọn lửa lúc cháy rực sẽ thế nào, Edison lén đốt sạch kho thóc của nhà hàng xóm. Sau khi hàng xóm tố cáo với cha mẹ, Edison bị đánh tơi bời".
Dù gặp phải sự cố ngoài ý muốn như vậy, Edison vẫn không từ bỏ sở thích tìm tòi, khám phá của mình. Trong khi bạn bè cùng trang lứa miệt mài với những trò chơi của tuổi học trò, Edison vùi mình vào khám phá để tìm hiểu mọi sự vật, hiện tượng xung quanh.
Hơn 10.000 lần thí nghiệm để phát minh bóng đèn
Do kết quả học tập ở trường không tốt, Edison đã sớm bị đuổi học chỉ sau thời gian ngắn đến trường. Dù rất đau khổ, gia đình Edison đành phải chấp nhận.
Có mẹ là giáo viên, Edison được dạy học riêng ở nhà. Bà thường hướng dẫn, khuyến khích con trai làm một số thực nghiệm đơn giản giống như trong những cuốn sách bà thường đưa cho Edison đọc.
Một lần, mẹ mua cho Edison cuốn sách Nhập môn khoa học thực nghiệm và khoa học tự nhiên, cậu bé lập tức bị cuốn hút bởi phần khoa học thực nghiệm trình bày trong đó. Edison ay sưa nghiên cứu những điều viết trong cuốn sách và dành thời gian làm những thí nghiệm nhỏ.
Edison đã biến căn phòng hầm của gia đình thành phòng thí nghiệm nhỏ với rất nhiều dụng cụ như dây đồng, dây sắt, que thủy tinh, ống nhựa… Đây chính là nơi Edison đã làm những thí nghiệm đầu tiên về điện và hóa học.
Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của Edison, phát minh vĩ đại và nổi tiếng nhất của ông chính là bóng đèn dây tóc, mang lại ánh sáng cho nhân loại.
Để biến điện năng thành ánh sáng, Edison đã làm hàng nghìn thí nghiệm nhằm tìm ra vật liệu thích hợp làm dây tóc bóng đèn. Khi liên tục gặp thất bại, bị công kích là "người hoang tưởng", "quân lừa bịp", Edison vẫn không nản chí. Ông vẫn trung thành với khát vọng của bản thân.
Thomas Edison đã thất bại hơn 10.000 lần trước khi phát minh ra bóng đèn, nhưng ông không bao giờ gọi đó là thất bại, mà xem đó như những cơ hội để học hỏi.
Ông từng nói rằng: "Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình".
Sau hàng nghìn lần thất bại, cho đến một ngày, Edison tình cờ sờ vào cái nút tòn ten ở trên khuy áo khoác rồi thốt lên: "Đây rồi! đây chính là cái mà ta sẽ dùng làm dây tóc!".
Tiếp theo, ông cho cái sợi chỉ vào một cái khuôn niken, nung trong lò lửa suốt 5 giờ đồng hồ để sợi chỉ biến thành than. Sau khi để nguội, ông lấy sợi chỉ ra, cho vào một vật chứa bằng thủy tinh đã được tạo chân không ở bên trong, để sợi chỉ không bị đốt cháy rồi cho dòng điện đi qua.
Edison hồi hộp, băn khoăn, không biết dòng điện sẽ chạy được trong bao lâu? Nhưng kết quả thật mỹ mãn, sợi dây tóc sáng liên tục được tới 45 tiếng. Giống như thí nghiệm của mình, mặt Edison cũng sáng lên vì sung sướng.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, nhân loại đã có được ánh sáng của đèn điện như ngày hôm nay. Về sau, cùng các cộng sự của mình, Edison còn tạo tạo ra nhiều thiết bị để cải tiến và cách tân công nghệ.
Từ cậu bé sớm phải rời ghế nhà trường vì bị nghi ngờ đần độn đến trở thành nhà phát minh vĩ đại, nhà sáng chế hàng đầu của nhân loại, Edison đã chứng minh rằng "thiên tài không tự sản sinh ra".
Tính tò mò, sự hiếu kỳ, sở thích khám phá để giải đáp những điều xung quanh đã giúp Edison biến ý tưởng có phần không tưởng của ông thành hiện thực để giúp ích cho nhân loại.
0 Nhận xét
Vật lý 31415 xin chào bạn, hãy nêu ý kiến của mình nhé !!!